Giúp con khám phá cuộc sống từ vẽ và tô màu

29 /102016

Giúp con khám phá cuộc sống từ vẽ và tô màu

Giúp con khám phá cuộc sống từ vẽ và tô màu

Có thể cho trẻ ứng dụng vẽ khắp nơi, vẽ tranh trên cát khi đi biển, vẽ phấn trên vỉa hè, trong công viên, vẽ thiệp chúc mừng sinh nhật, vẽ thư gửi mọi người khi chưa biết viết, vẽ mong muốn của mình, vẽ về kỳ nghỉ mơ ước...

Nhà tâm lý học Thụy Sỹ Piaget cho rằng các em bé 18 tháng tuổi đã biết dùng các biểu tượng để thể hiện suy nghĩ của mình. Khi bé biết đứng, bạn có thể mua giá vẽ cho bé đứng vẽ. 

Vẽ và tô màu là một trong những hoạt động không thể thiếu cho trẻ mầm non. Hoạt động này có nhiều lợi ích: Giúp trẻ phát triển vận động khi điều khiển bút vẽ theo ý mình; Tư duy logic vẽ cái gì trước cái gì sau hay từ trái sang phải, từ trên xuống dưới; Tư duy trừu tượng khi trẻ muốn vẽ lại cái gì đó từng nhìn thấy; Rèn khả năng quan sát chú ý đến từng chi tiết của một tổng thể; Chuẩn bị trực tiếp cho việc cầm bút viết chữ; Giúp trẻ biết thưởng thức cái đẹp. Ngoài ra vẽ còn là hoạt động để thư giãn, rèn khả năng tập trung, tìm hiểu bản thân và có một thú vui lành mạnh thay vì chơi điện tử, xem vô tuyến... thụ động và phụ thuộc.

Vẽ không bị bó buộc bởi bất cứ cái gì nên bé có thể vẽ khi mới biết ngồi và biết cầm bằng tay - với một số trẻ đó là mốc 6 tháng tuổi. Khi nhỏ, bé sẽ dùng bút vẽ to nhất, bút sáp to nhất và giấy A3 để dễ sử dụng. Hòa một màu vẽ an toàn và để vào một cái đĩa to cho bé vẽ. Điều thú vị là bé sẽ nhận ra được chuyển động của mình để lại đường nét trên tờ giấy. Khi bé vẽ bạn có thể giới thiệu luôn tên của màu sắc đó. Bạn cũng có thể vẽ chân, tay, in rau củ, in hình khối vì các hoạt động đó rất đơn giản.

Tô màu là hoạt động khó hơn rất nhiều nhưng không phát huy trí tưởng tượng của trẻ nên nếu có thể bạn hãy tập trung cho con vẽ. Bé chỉ có thể tô màu khi phân biệt và gọi tên các màu sắc, có một kho dữ liệu trong đầu về thực tế để biết, quả chuối thì phải tô màu vàng, quả nho thì màu tím... chứ không phải voi tô màu hồng vì con thích thế hay hoa mỗi cánh một màu. Chúng ta cần giúp bé hiểu và tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên.

Bé cần điều khiển được tay một cách khéo léo để dừng đúng lúc, tô các đường cong và đủ kiên nhẫn để hoàn thành tác phẩm từ đầu đến cuối. Bé cũng phải có được trật tự là biết tô từ trái sang phải, từ trên xuống dưới giống như cách viết chữ tiếng Việt sau này.

Để chuẩn bị cho bé tô màu, các bố mẹ có thể hỏi con muốn tô cái gì, để bé chọn theo ý mình. Giúp bé phân biệt và gọi tên được các phần của bức tô màu đó, ví dụ, ô tô, cửa ô tô, bánh ô tô... Bạn giúp bé chọn tất cả các màu bé cần cho từng phần của một bức tranh sẵn sàng trong một hộp. Ví dụ để tô một quả dâu tây thì chỉ cần màu đỏ và màu xanh lá cây, cất tất cả các màu còn lại đi.

Hướng dẫn bé tô liền nét, không nhấc tay đứt nét nếu có thể, không quay tờ giấy, không tô ngang tô dọc chồng các nét lên nhau mà chỉ theo một hướng logic xuống lên, xuống lên cho đến hết.

Khi bé đã rất khéo léo trong việc điều khiển bút các bài tô, có thể hướng dẫn trẻ tô khó hơn như tô nét cong. Ví dụ cũng là quả bóng, trước kia bé tô nét thẳng kín quả bóng, bây giờ bé tô vòng theo đường tròn của quả bóng từ ngoài vào đến trong không đứt nét.

Khi tô màu, các bố mẹ luôn có thể in các bức tranh tô màu theo ý thích của con để giúp con học mỗi ngày. Sau đó các bức tô màu có thể được xếp theo các chủ đề, mỗi chủ đề để vào một cặp tài liệu. Thế là bé đã có các bộ sách do chính tay mình làm ra.

Cho dù là vẽ hay tô màu hãy hướng dẫn bé dọn dẹp, lau chùi, cất mọi thứ về đúng chỗ sau khi làm xong và luôn luôn đã bắt đầu thì phải kết thúc công việc của mình.

Muốn giúp bé thích vẽ và tô màu bố mẹ cần chuẩn bị môi trường nghệ thuật cho con. Treo các tác phẩm nghệ thuật do trẻ con vẽ hoặc vẽ cho trẻ con ở tầm mắt của bé để bé có thể ngắm mỗi ngày. Giúp bé tôn trọng các màu sắc, màu nào cũng đẹp chứ không phải đen hay xám là xấu xí.

Bố mẹ cũng có thói quen vẽ hay minh họa khi giới thiệu kiến thức mới cho con nhưng không nên vẽ mẫu cho con, ví dụ như ngôi nhà là phải thế này, quả bóng bay là phải thế kia mà tốt nhất là để bé quan sát vật mẫu rồi tự vẽ theo cách cảm nhận của mình. Thỉnh thoảng có thể dẫn trẻ đi xem các triển lãm tranh. Giới thiệu các hình khối, đường nét, độ dày mỏng, sáng tối, ánh sáng trong ngày thay đổi ra sao... và miêu tả mọi thứ xung quanh cho bé nghe.

Khi đọc truyện cho bé đừng quên giới thiệu tên họa sĩ minh họa để bé hiểu có một ai đó đã vẽ nên cuốn sách này. Tôn trọng tác phẩm của bé, không bao giờ vẽ hộ, làm hộ, chỉnh sửa khi bé đang vẽ hay tô màu. Và khó nhất là không bao giờ được khen hay chê. Hãy khuyến khích bé bằng những nhận xét tích cực như “Sắc vàng con chọn đẹp quá” hay “Cái lá này con vẽ giống y như thật” để bé không phụ thuộc vào lời khen hay buồn vì bị chê.

Lê Mai Hương
Theo VN Express.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ GIA BẢO

  • CS1: 65 Đoàn Trần Nghiệp, Nha Trang
  • CS2: 15 Tản đà , Phường Phước Long, Nha Trang
  • Hotline: 0961038808
  • Ngoaingugiabao@gmail.com

YOUR LANGUAGE - YOUR FUTURE