Dạy trẻ suy nghĩ tích cực để thích ứng với cuộc sống
Dạy trẻ suy nghĩ tích cực để thích ứng với cuộc sống
Khi được nuôi dưỡng, suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu để phát triển khả năng thích ứng, giúp trẻ tránh bị trầm cảm lúc trưởng thành.
Nghiên cứu cho thấy, từ khi lên 5 tuổi, trẻ đã biết cách liên hệ giữa suy nghĩ và cảm xúc: một suy nghĩ tích cực làm ta vui hơn và một suy nghĩ tiêu cực khiến ta buồn hơn.
Suy nghĩ tích cực là thái độ nhìn nhận vấn đề theo cách xây dựng. Điều này không đồng nghĩa với việc phớt lờ những mặt tiêu cực. Người suy nghĩ tích cực chấp nhận tình huống và tìm ra mặt tốt của vấn đề. Suy nghĩ tích cực hiệu quả nhất khi một người phải đối mặt với các tình huống dễ gây bối rối như bắt đầu công việc mới, gặp giáo viên mới, lần đầu tiên đi học...
Trong những năm tháng đầu đời, trẻ thường nhận được các chỉ dẫn đơn giản, với 2 cách lựa chọn cho cảm xúc, ví dụ: “Nếu đi dự sinh nhật mình sẽ vui. Nếu bị tiêm, mình sẽ buồn”. Sau 5 tuổi, các chỉ dẫn trở nên phức tạp hơn. Lúc này chúng mang theo thông tin về sự kết nối giữa suy nghĩ và cảm xúc. Trẻ bắt đầu hiểu rằng suy nghĩ của một người hoàn toàn tách biệt với thực tại và có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của người đó: một suy nghĩ tích cực làm ta vui hơn và một suy nghĩ tiêu cực khiến ta buồn hơn.
Tiến sĩ Christi Bamford, chuyên gia tâm lý thuộc ĐH Jacksonville (Mỹ), đã nghiên cứu trên 90 trẻ 5-10 tuổi. Bà cho các bé nghe 6 câu chuyện liên quan tới 2 nhân vật. Hai nhân vật này cùng trải qua các sự kiện tích cực (và cảm thấy vui), các sự kiện tiêu cực (và cảm thấy buồn), hoặc các tình huống gây bối rối (và cảm thấy bình thường).
Sau đó, một nhân vật suy nghĩ tích cực trong khi nhân vật kia suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ trong một tình huống, hai nhân vật chuẩn bị gặp cô giáo mới. Một nhân vật suy nghĩ tiêu cực “Cô sẽ ghê lắm và ra rất nhiều bài tập”, trong khi nhân vật kia suy nghĩ tích cực “Cô sẽ vui tính và đọc truyện cho chúng mình”. Sau khi giải thích phản ứng của nhân vật, các nhà nghiên cứu hỏi xem bọn trẻ nghĩ gì. Kết quả cho thấy, từ khi lên 5 tuổi, trẻ đã có thể hiểu các nguyên tắc của suy nghĩ tích cực. Trẻ càng lớn càng biết cách suy nghĩ tích cực.
Trẻ lớn hơn vài tuổi còn giỏi hơn trong việc sử dụng các suy nghĩ tích cực. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ 7-8 tuổi thường nghĩ lảng sang chuyện khác khi cần đối phó với lo lắng. Khi được hỏi làm thế nào để đối mặt với nỗi sợ bị bác sĩ tiêm, các bé đề xuất nên nghĩ về những thời khắc vui vẻ như được ăn kem. Trái lại, trẻ nhỏ hơn lại cần những trò hữu hình, ví dụ chơi đồ chơi.
Khi được nuôi dưỡng, suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu để phát triển khả năng thích ứng của con người. Suy nghĩ tích cực giúp trẻ xử lý tốt hơn các thất vọng không thể tránh khỏi trong cuộc sống như không được chọn vào đội bóng, bị trượt đại học hoặc trượt một kỳ thi... Nghiên cứu cho thấy trẻ được rèn luyện suy nghĩ lạc quan thường thích ứng tốt hơn và nhờ vậy ít bị trầm cảm sau này.
Giúp bé nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực:
- Làm gương cho con: Sự lạc quan của cha mẹ sẽ giúp bé hiểu rõ hơn về nguyên tắc suy nghĩ tích cực. Hãy đánh giá mọi việc một cách lạc quan, cởi mở trò chuyện và chia sẻ với con. Ví dụ trước ngày đầu con đi học, hãy hỏi: “Mai là ngày đầu con lên lớp, chắc sẽ có nhiều chuyện thú vị lắm nhỉ?”. Nếu bé tỏ ra lo lắng, hãy giúp con điều chỉnh suy nghĩ: “Nếu con lo lắng, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sao con không nghĩ tới những chuyện vui có thể xảy ra ở trường nhỉ?”. Trẻ học cách suy nghĩ tích cực càng sớm sẽ sử dụng chúng càng hiệu quả.
- Nhìn nhận khía cạnh tiêu cực và điều chỉnh nó: Suy nghĩ tích cực không đồng nghĩa với việc phớt lờ những mặt tiêu cực. Nếu bé bị gãy tay và đang hồi phục, hãy nhìn nhận rằng chuyện này khiến bé đau: “Mẹ biết là con rất đau”. Rồi cho bé thấy cách bạn điều chỉnh tình huống tiêu cực: “Nếu mẹ con mình cứ chú ý tới cái tay đau này thì cả hai sẽ rất khổ sở. Sao mình không nghĩ tới những trò thú vị có thể làm với khuôn bó bột này nhỉ”. Kỹ thuật điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp nuôi dưỡng khả năng thích ứng của trẻ.
Lê Mai (Theo About Kids Health)