Bố mẹ thành đạt dạy con kiếm tiền bằng bán hàng rong
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/bo-me-thanh-dat-day-con-kiem-tien-bang-ban-hang-rong-3250476.html
Những ai quen biết gia đình chị Phạm Thị Hoài An (kế toán trưởng một đơn vị chuyên phân phối điện thoại tại Hà Nội) và anh Hoàng Trung Kiên (phó giám đốc một công ty tại Tập đoàn FPT) đều ngưỡng mộ cách anh chị giáo dục con cũng như những thành tích cô con gái đầu của họ đạt được. Vừa thi đỗ vào trường cấp 2 chuyên Amsterdam, Hoàng Anh Chi cũng đoạt giải nhì Olympic tiếng Anh toàn thành phố cho học sinh tiểu học...
Những bí quyết dạy con của chị Hoài An
Chị Hoài An chia sẻ, vợ chồng chị đều định hướng giáo dục con theo hướng có khả năng bắt nhịp với xã hội, tự tin bước chân vào đời chứ không chỉ học giỏi theo kiểu "gà công nghiệp". Suốt 3 năm nay, dịp nghỉ hè nào anh chị cũng để Anh Chi đi làm thêm cho con hiểu về giá trị của lao động và đồng tiền, bước đầu làm quen với môi trường làm việc. "Lúc còn nhỏ con làm quen với môi trường làm việc đơn giản, sau này sẽ cho con làm các việc phức tạp dần lên", chị nói.
"Mẹ luôn khuyến khích con thử cái mới nếu biết chắc điều đó không nguy hiểm cho con", chị An chia sẻ. Trong ảnh, Chi quấn một chú trăn thật lên cổ trong một chuyến tham quan cùng gia đình. Ảnh: GĐCC. |
Hai năm trước, vào mùa hè năm lớp 3, chị An bảo con: “Hè này mẹ cho Chi tập đi bán hàng nhé”. Ban đầu, cô bé tỏ ra háo hức mong chờ được đi kiếm tiền vì trước giờ thấy bố mẹ đi làm, con nghĩ việc đó sẽ thú vị, mới mẻ lắm. Hai mẹ con cùng bàn bạc và chọn bán hàng rong. Cô bé biết tiếng Anh là một lợi thế nên chọn bán cho khách nước ngoài. Hai mẹ con dành một buổi chiều thứ bảy ra bờ Hồ Hoàn Kiếm khảo sát xem nên bán gì, cuối cùng quyết định bán nước đóng chai, đóng lon ướp lạnh.
Tối hôm trước khi đi bán, Chi được mẹ ứng trước cho vay vốn và cùng đi mua một số loại đồ uống. Con tự làm đầy tủ đá để dùng. Hôm sau chủ nhật, bố mẹ hỗ trợ Chi khênh thùng đầy đá và các chai nước cho vào cốp xe đi gần 10km lên điểm kinh doanh.
"Bao nhuệ khí của con bay biến khi nhận được cái lắc đầu của người khách đầu tiên. Mẹ đứng gần đó quan sát, lắng nghe sau khi khách đi sẽ rút kinh nghiệm cho con. Tổng kết ngày bán hàng, tỷ lệ bán thành công của con đạt khoảng 10% số khách mời. Sau khi trừ vốn con lãi 40.000 đồng. Mặt con buồn thiu, mẹ cũng tính rõ cho con đó là lãi gộp, nếu trừ tiền ăn trưa của con, tiền gửi xe thì lỗ", chị Hoài An kể.
"Câu cá sấu" - một trò nhiều người lớn không dám thực hiện vì sợ nhưng Chi dám một mình thử sức khi được mẹ khích lệ. Ảnh: GĐCC. |
Buổi tối, để an ủi tinh thần con sau một ngày bán hàng vất vả, anh chị cho cả nhà đi ăn KFC rồi đi ăn kem. Con út Vân Hà chọn một ly kem 45.000 đồng, Anh Chi thấy vậy bảo em: "Ly kem này đắt lắm, hơn cả công bán hàng vất vả dưới nắng cả ngày hôm nay của chị đấy”.
Số tiền lãi 40.000 đồng ấy Chi để trong ngăn cuối cùng của hộp bút làm kỷ niệm suốt năm học lớp 4. Từ đó, chị Hoài An thấy con gái chăm học hơn mà không bao giờ thấy kêu học hành vất vả.
Sang hè năm lớp 4, Chi được mẹ giúp xin vào phụ việc trong một cửa hàng thuốc bắc. Công việc của cô bé là ngồi ngoài cửa trông hàng, mời khách, phụ lấy thuốc, cân thuốc, đóng túi, nấu cơm... Suốt tháng nghỉ hè, chiều nào cô bé cũng tới cửa hàng làm việc.
Hè năm nay, Chi vừa được nhận vào phụ việc trong một quán trà, hai buổi một tuần. Vừa phụ tiếp khách tại quán trà trên đường Cầu Giấy, Anh Chi vừa tâm sự: "Qua buổi bán nước đá hồi lớp 3, cháu mới hiểu kiếm tiền vất vả thế nào và buôn bán thực sự không hề giống như trò chơi đồ hàng, bởi mình sẽ phải tìm mọi cách thuyết phục khách nhưng không phải lúc nào cũng thành công".
Cô bé cũng cho biết trước đó khi ở nhà, cô bé cũng từng "kinh doanh nước" nhưng khách hàng chỉ là bố mẹ. "Mẹ ứng cho cháu một khoản tiền nhỏ để mua chanh, đường, đá, sữa rồi cháu tự làm sinh tố, bán cho bố mẹ, tính toán giá phải 10 hay 20 nghìn để có lãi", Chi kể.
Hoàng Anh Chi cùng bố mẹ và em gái trong một chuyến du lịch hè. Ảnh: GĐCC. |
Chị Hoài An quan niệm, bố mẹ không thể sống cuộc sống thay cho con và lo cho con suốt đời, vì thế cần dạy con biết lo liệu mọi việc cho cuộc sống đi học xa nhà, cho tương lai. Chị cho rằng, ngày xưa, bố mẹ đông con, kinh tế khó... không có thời gian quan tâm, lo lắng cho con như bây giờ nên tự nhiên trẻ quen tự lập, đến bữa tự ăn, đến giờ tự đi học, biết giúp bố mẹ việc nhà.
"Vậy nên muốn trẻ tự lập thì bố mẹ cần buông tay ra một chút. Lúc nhỏ con tự xúc ăn văng vãi không sao, có văng bẩn thì yêu cầu con lau dọn sạch, thay quần áo. Những việc của con, con phải tự làm, tự giải quyết, mẹ có thể hướng dẫn nếu cần, đề ra khung thời gian để con hoàn thành, kiểm tra kết quả nhưng tuyệt đối không làm thay con", chị An nói.
Chị kể, ngay từ lúc Chi 2,5 tuổi đã phải tự xúc ăn hoàn toàn, ra quán gọi ba bát phở là bố, mẹ, con ai có phần của người nấy, tự ăn. Lúc Chi 3 tuổi, khi mẹ đi làm về nấu cơm, mẹ mua cam, bổ ra thì con đã biết tự vắt cam, pha đường để hai mẹ con cùng uống. 4 tuổi, cô bé đã phụ mẹ tráng bát khi rửa rồi nhặt rau. Khi con lớn hơn, chị An rèn con biết tự lo lắng việc học của mình, biết dọn dẹp nhà cửa, làm một số công việc nhà, nấu ăn bắt đầu từ các món đơn giản... Mỗi dịp hè, cuối tuần hay những kỳ nghỉ, ngoài thời gian vui chơi thoải mái, đi bơi, trượt patin, múa, hát, đàn, vẽ theo ý thích, Chi đều được phân công chịu trách nhiệm đi chợ, nấu cơm và thực hiện một số việc nhà.
"Hãy đừng bọc con trong nhung lụa dù bây giờ bạn thừa sức làm vậy. Hãy để con tập đối mặt dần với cuộc sống bên ngoài khung cửa gia đình và trường học, để khi bước vào đời con không ngỡ ngàng, không lo lắng trước muôn vàn khó khăn, lo toan đời thường", người mẹ chia sẻ.
Vương Linh